Vay tiền không trả có phạm tội không?
Đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì phải có cả hai hành vi: hành vi dùng thủ đoạn gian dối để vay mượn và hành vi chiếm đoạt tài sản. Nếu thiếu một trong hai hành vi này, thì không thể buộc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được. Nói cách khác, nếu chỉ có hành vi gian dối nhưng không có hành vi chiếm đoạt thì không thể buộc tội được vì tội lừa đảo chỉ hoàn thành khi hành vi chiếm đoạt xảy ra. Hành vi dùng thủ đoạn gian dối để vay mượn tiền thì khá rõ, thậm chí xuất hiện ở hầu hết các trường hợp vỡ nợ trong thời gian qua. Thường xảy ra là trường hợp người vay tiền không nói đúng mục đích vay, giả sử vay để trả nợ cho người khác nhưng lại nói để kinh doanh, hoặc đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh không đúng với thỏa thuận khi vay, hoặc vay để đáo nợ ngân hàng nhưng lại nói để đầu tư vào địa ốc. Trên thực tế thì để vay được tiền, rất ít người thành thật nói cho người cho vay biết mục đích vay tiền của mình. Tuy nhiên, hành vi dùng thủ đoạn gian dối này không thể khép vào tôi lừa đảo nếu không có hành vi chiếm đoạt. Vừa qua, TAND T. Bình Dương phải hoãn xử một phiên tòa hình sự để xác định bị cáo có phạm tội lừa đảo hay không khi bị cáo trước ngày xét xử đã trả được một phần lớn tiền nợ đồng thời họ đang rao bán nhà để trả số nợ còn lại, mặc dù hành vi gian dối để vay tiền thể hiện khá rõ. Như vậy, có thể thấy người vay tiền nếu chỉ có hành vi gian dối để được cho vay nhưng không có ý thức hoặc hành vi chiếm đoạt thì không phạm tội lừa đảo. Trên thực tế, các cơ quan tiến hành tố tụng thường phải xem xét và cân nhắc kỹ để xác định người vay tiền thực sự có ý thức chiếm đoạt hay không vì việc xác định vấn đề này không phải vấn đề đơn giản. Một số ý kiến cho rằng ngay cả trong trường hợp hành vi chiếm đoạt chưa xảy ra, nhưng nếu có ý thức chiếm đoạt thì tội lừa đảo đã hoàn thành. Ý thức chiếm đoạt này phải nảy sinh từ trước, tức là trước khi có hành vi dùng thủ đoạn gian dối, hoặc là trước khi nhận tiền vì nếu nảy sinh sau khi vay thì lại thuộc tội khác. Người vay tiền, giả sử, vẽ ra dự án bất động sản ảo để tạo niềm tin nơi người cho vay nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của người cho vay. Sau đó, những người cho vay tố giác thì mặc dù chưa đến thời hạn trả nợ nhưng người vay tiền vẫn phạm tội vì ý thức chiếm đoạt đã rõ. Quan điểm này cũng còn nhiều điều phải xem lại vì nếu đến hạn trả nợ, người vay tiền lại vay mượn của người khác để thanh toán thì hành vi chiếm đoạt sẽ không xảy ra. Những người theo quan điểm này thậm chí cho rằng khi thực hiện hành vi gian dối, tức là đã có ý thức chiếm đoạt, chứ không cần phải tách riêng hai hành vi này. Nói cách khác, chỉ cần có hành vi gian dối để vay tiền là đã đủ cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự. Xét ở một góc độ nào đó, quan điểm này giúp bảo vệ những người cho vay, nhưng không phù hợp với quy định của luật. Do vậy, để xác định có ý thức chiếm đoạt hay không phải xem xét trong từng trường hợp cụ thể, đặc biệt là xem xét về mục đích và động cơ khi vay tiền. Thực tiễn xét xử cho thấy rất nhiều trường hợp vay mượn nhưng không hoàn trả đã ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm gia đình, ảnh hưởng tiêu cực đến công việc kinh doanh, gây mất trật tự an ninh xã hội, nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng đôi khi lúng túng trong việc xác định có hay không hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, nên chăng cần có những quy định rõ hơn về hành vi này.