Di Chúc Hợp Pháp
Câu 1: Tôi lập di chúc nhưng quên không ghi ngày tháng. Sau đó mang di chúc đến UBND xã để chứng thực và được cán bộ tư pháp đọc lại; chủ tịch ghi ngày tháng, xác nhận, ký tên, đóng dấu. Như vậy di chúc của tôi có hợp pháp hay không?
Hợp pháp;
Trường hợp này thời điểm lập di chúc được tính là thời điểm di chúc được chứng thực.
Câu 2: Một người soạn thảo di chúc trên máy vi tính dưới dạng file word trong tình trạng tinh thần minh mẫn, sáng suốt; sau đó ghi lại ngày giờ tạo file, đường dẫn, mật mã và xác nhận file này là di chúc của mình rồi ký tên trên tờ giấy hướng dẫn này. Văn bản trên máy vi tính có phải là di chúc hợp pháp không?
Không hợp pháp;
Điều 649 BLDS quy định di chúc phải lập thành văn bản. Có ba loại di chúc bằng văn bản:
- Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng;
- Di chúc bằng văn bản có người làm chứng;
- Di chúc có công chứng hoặc chứng thực;
Trong trường hợp tính mạng bị đe dọa thì người lập di chúc có thể di chúc miệng, có ít nhất hai người làm chứng; tuy nhiên người làm chứng ngay sau đó phải ghi chép lại nội dung di chúc, ký tên, điểm chỉ và công chứng di chúc.
- Như vậy trong tất cả các trường hợp di chúc phải thể hiện bằng văn bản giấy thì mới được coi là hợp pháp.
Câu 3: Con trai tôi 16 tuổi, bị bệnh hiểm nghèo. Từ nhỏ cháu đã được ông nội để thừa kế lại cho căn nhà. Nay cháu muốn di chúc để căn nhà này cho tôi bởi vì tôi chính là người chăm sóc cháu từ nhỏ. Tôi cũng đồng ý với nội dung di chúc này. Tuy nhiên ba của cháu lại không đồng ý. Vậy di chúc của cháu lập có hợp pháp không?
Không hợp pháp;
Theo quy định tại khoản 2 Điều 652 BLDS thì di chúc của người đủ 15 tuổi đến 18 tuổi phải được lập thành văn bản và phải được sự đồng ý của cha, mẹ.
Trường hợp này người cha không đồng ý; mặt khác nội dung di chúc lại để lại tài sản cho người mẹ. Do đó sẽ thiếu sự khách quan nếu chỉ mình người mẹ đồng ý.
Câu 4: Tôi có một căn nhà và đã lập di chúc và ký tại văn phòng công chứng A cho con trai. Nhưng sau đó con dâu đối xử quá tệ nên tôi lại lập di chúc khác tại phòng công chứng B để lại căn nhà đó cho con gái. Vậy di chúc sau có hợp pháp không.
Di chúc sau hợp pháp;
Theo quy định tại Điều 662 BLDS thì trong trường hợp người lập thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.
Tuy nhiên bà cần thực hiện thủ tục thông báo việc hủy bỏ và gửi đến văn phòng công chứng A, nơi đã lập di chúc trước đây theo quy định tại Khoản 3 Điều 48 Luật Công chứng.