Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?
  • img
  • img
  • img

Giới hạn của hợp đồng mẫu

Ls. CAO THỊ HÀ GIANG
      TRẦN THANH TÙNG

Trong rất nhiều các quan hệ kinh tế, dân sự hiện nay, doanh nghiệp đang bị "ép" vào những mẫu hợp đồng sơ sài của các cơ quan nhà nước, xa lạ so với ý chí thực của doanh nghiệp. Đâu sẽ là ranh giới giữa việc áp dụng hợp đồng mẫu và quyền tự do hợp đồng?

Từ sự việc thực tế....

Ông H, thành viên sáng lập công ty TNHH A, có nhu cầu chuyển nhượng vốn góp cho đối tác khác. Sau một thời gian dài đàm phán và nhờ luật sư tư vấn, hợp đồng chuyển nhượng vốn được hình thành và ký kết. Khi nộp hồ sơ đăng ký chuyển nhượng vốn tại Sở kế hoạch và đầu tư (KHĐT) thành phố N, nhân viên của sở KHĐT đã không chấp nhận hồ sơ vì hợp đồng quá dày với hơn 20 trang giấy và quá phức tạp, quan trọng hơn là không được lập theo mẫu của Sở KHĐT. Nhân viên này yêu cầu ông H phải sử dụng mẫu hợp đồng do sở KHĐT ban hành. Ông H không biết phải làm sao để đưa các thoả thuận đã đạt được vào hợp đồng mẫu với chỉ khoảng 3 trang giấy. Vì vậy, sau nhiều lần lên xuống để thuyết phục nhưng không thành công, ông H và đối tác đành chấp nhận ký thêm vào bản hợp đồng theo đúng mẫu do Sở KHĐT cung cấp chỉ để hồ sơ được thụ lý.

...Đến giới hạn của hợp đồng mẫu

 Hợp đồng về bản chất là luật tư, dựa trên ý chí tự do và thoả thuận của các bên tham gia. Doanh nghiệp, về nguyên tắc, được làm tất cả những gì luật không cấm, nghĩa là cứ tự do thoả thuận chừng nào mà thoả thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Nhưng khi tham gia vào quan hệ hành chính, hợp đồng này còn chịu sự ảnh hưởng bởi luật công, dựa trên mệnh lệnh, quyền uy mà không có thoả thuận. Trong quan hệ ấy, đứng ở góc độ của cơ quan hành chính, họ chịu ràng buộc theo nguyên tắc "công chức chỉ được là những gì luật cho phép". Giữa hai thái cực ấy, đâu sẽ là ranh giới giữa luật công và luật tư?

Không thể phủ nhận hoàn toàn tác dụng của hợp đồng mẫu. Nó thuận tiện cho các giao dịch đơn giản, có giá trị nhỏ và không phức tạp. Với cơ quan nhà nước, hợp đồng mẫu thuận tiện cho cơ quan nhà nước khi xem xét hoặc thẩm tra hợp đồng, trong chừng mực nhất định, hợp đồng mẫu có thể tiết kiệm chi phí giao dịch cho xã hội. Tuy nhiên, việc buộc doanh nghiệp phải sử dụng các hợp đồng mẫu mang đến nhiều hệ lụy so với những lợi ích mà hợp đồng mẫu có thể mang lại.

Trước tiên, đa số các hợp đồng mẫu là do các cơ quan nhà nước tự ban hành, và mặc dù trên giấy tờ là để người dân tham khảo nhưng thực tế là bắt buộc. Nếu xét trên phương diện pháp lý, công chức cũng không có đủ cơ sở và không có quyền từ chối hợp đồng của doanh nghiệp chỉ vì hợp đồng không theo mẫu.

Về nguyên tắc, doanh nghiệp có quyền khởi kiện hành chính hành vi từ chối thụ lý hồ sơ của công chức, nhưng thực tế là hiếm có vụ kiện nào như thế. Về phía công chức, việc tiếp xúc thường xuyên với hợp đồng mẫu khiến cách nhìn nhận của họ trở nên cứng nhắc và lạ lẫm với giao dịch ngoài đời sống thực, nới rộng thêm sự ngăn cách về góc nhìn giữa công chức và doanh nghiệp.

Đối với những giao dịch phức tạp, doanh nghiệp thường phải thuê luật sư soạn thảo hợp đồng, tỉ mỉ và chi tiết, với vài chục trang giấy. Những hợp đồng đó thường gặp phải có nhìn sợ sệt và thiếu thiện cảm từ cơ quan nhà nước vì đơn giản là nó quá phức tạp và mất thời gian của cơ quan nhà nước khi xem xét và thụ lý. Thậm chí nhiều công chức còn từ chối thụ lý hợp đồng ngay từ đầu và yêu cầu thay thế bằng bản hợp đồng mẫu vỏn vẹn vài trang với những điều khoản chung chung như trường hợp thực tế của ông H. và rất nhiều các doanh nghiệp đã gặp phải. Hợp đồng mẫu, khi đó, khiến doanh nghiệp mất thời gian và chi phí, chưa kể đến những rủi ro khác nếu đối tác không chịu ký lại hợp đồng  khác theo mẫu của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là, việc buộc doanh nghiệp sử dụng hợp đồng mẫu đã hạn chế quyền tự do thỏa thuận của các bên và đi ngược với bản chất của hợp đồng. Trong rất nhiều các quan hệ kinh tế, dân sự hiện nay, doanh nghiệp dường như đang bị "ép" vào những mẫu hợp đồng sơ sài của các cơ quan nhà nước, xa lạ so với ý chí thực của doanh nghiệp. Một số cơ quan thậm chí còn in mẫu hợp đồng và đóng dấu treo và chỉ nhận hồ sơ khi doanh nghiệp sử dụng mẫu có dấu treo đó, doanh nghiệp, vì thế, không còn cách nào khác, buộc phải sử dụng những mẫu hợp đồng đó nếu muốn hồ sơ được xem xét.

Một hệ lụy khác mà hợp đồng mẫu đưa lại là nó thúc đẩy sự "lách luật" và tăng rủi ro pháp lý. Để tránh trường hợp hợp đồng bị cơ quan nhà nước từ chối, các bên thường lập hai bản hợp đồng với nội dung khác nhau, một bản theo mẫu chỉ để nộp cho cơ quan nhà nước, và một bản đầy đủ để thực hiện. Như vậy, sẽ có hai bản hợp đồng cùng tồn tại song song trong thương vụ. Vấn đề đặt ra là khi có tranh chấp thì bản hợp đồng nào sẽ được dùng để giải thích hoặc áp dụng nếu có sự khác biệt?

Ít nhất có hai quan điểm về vấn đề này. Một quan điểm cho rằng hợp đồng theo mẫu đã được cơ quan nhà nước chấp nhận nên khi có tranh chấp, chỉ xem xét bản hợp đồng đó mà thôi. Quan điểm này xem xét hợp đồng chủ yếu về mặt hình thức và bỏ qua thực tế thực hiện hợp đồng, vì thế sẽ không ổn khi xem xét đến ý chí thực của các bên khi giao kết. Trái ngược với quan điểm này, một số người lại cho rằng bản hợp đồng "lưu hành nội bộ" phải được xem là cơ sở để xác định trách nhiệm pháp lý của các bên vì nó đầy đủ hơn và được các bên thực hiện trong thực tế. Hơn nữa, bản hợp đồng theo mẫu chỉ là một hợp đồng giả tạo để che giấu một hợp đồng thực khác, nếu thế, hợp đồng theo mẫu sẽ bị xem là vô hiệu, còn hợp đồng bị che giấu vẫn có hiệu lực và ràng buộc các bên. Nhưng dù theo quan điểm nào, có một điểm chung là sự rắc rối này sẽ không xảy ra nếu cơ quan nhà nước chấp thuận hợp đồng do chính các bên tự lập hơn là buộc doanh nghiệp dùng hợp đồng mẫu của cơ quan nhà nước.

Như vậy, liên quan đến hợp đồng trong quan hệ hành chính, nên có một ranh giới rõ ràng giữa luật công và luật tư. Cơ quan nhà nước sẽ chỉ xem xét hợp đồng của các bên trên bề mặt, tức là chỉ xem hợp đồng có đầy đủ những nội dung mà pháp luật yêu cầu chưa mà không can thiệp vào nội dung và trả lại quyền cho các bên tự thoả thuận và chịu trách nhiệm về nội dung hợp đồng. Điều này không chỉ thuận lợi cho doanh nghiệp mà còn hạn chế trách nhiệm cho chính cơ quan nhà nước.